Với những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế trong thời gian 1 tháng căng mình chống dịch COVID-19, ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát.
Tại Hải Dương, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại số nhà 36 phố Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời.
Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm. Ngoài ra, các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, một trong những bài học kinh nghiệm về chống dịch lần này được Bộ Y tế đúc rút làngành y tế đã huy động lực lượng rất lớn nhân viên y tế tham gia, đây là điều chưa có trong tiền lệ, bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên.
Lực lượng này đã phối hợp Đà Nẵng, Quảng Nam để quyết giữ mặt trận này. Và để đưa ra những quyết định kịp thời, nhanh chóng nhất mọi hoạt động ở tâm dịch, Bộ Y tế đã cử Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế trực tiếp “nằm vùng”. Sự hỗ trợ toàn lực của ngành y tế không chỉ dành riêng cho miền Trung ruột thịt, mà thời điểm Hà Nội rà soát, thống kê cho thấy, con số người từ Đà Nẵng trở về quá lớn, gây nên sự quá tải trong hệ thống xét nghiệm. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã quyết định giao nhiệm vụ cho các bệnh viện trực thuộc Bộ (BV Bạch Mai, BV Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) hỗ trợ toàn diện cho Hà Nội trong việc xét nghiệm nhằm khẩn trương phát hiện ca bệnh, khoanh vùng, cách ly, dập dịch.
Trong khi ổ dịch tại miền Trung vẫn chưa được kiểm soát tốt thì ở miền Bắc lại xuất hiện ổ dịch mới tại Hải Dương với chùm 6 ca bệnh liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi, số 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương. Trước tình huống đó, để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát tại một số địa phương ở miền Bắc, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Hải Dương trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể, Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trun ương và BV Bạch Mai cử các đội công tác hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan trong việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và thu dung, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Với sự hỗ trợ ấy, tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm sàng lọc COVID-19 bằng kỹ thuật ELISA- xét nghiệm huyết thanh tìm khángthể đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến 20/7, những người đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 15/7 đến 20/7, những người dân trong ổ dịch 36 Ngô Quyền từ 10 tuổi trở lên… Sự hỗ trợ toàn lực của ngành y tế cho các vùng có dịch đã mang lại hiệu quả hơn mong đợi. Sau một thời gian ngắn các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát với số trường hợp tiếp xúc được cách ly y tế đầy đủ. Các ca mắc ghi nhận đều có liên quan đến các ca bệnh trước đó, không xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng mà không xác định được nguồn lây.
“Chiến thắng” của đợt dịch lần này là cùng với việc khoanh vùng, cách ly, khống chế “vết dầu loang” thì nhiều ca bệnh nặng đã được chữa khỏi. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, khi dịch bùng phát chúng tôi nhận định các ca COVID-19 lúc đó nhiều ca rất nặng. Lúc đó, chúng tôi phải quyết định đưa các bệnh nhân vượt đèo Hải Vân sang BV Trung ương Huế bởi thời điểm đó không thể biết hệ thống hồi sức của cả 3 BV lớn tại Đà Nẵng đã sạch COVID-19 hay chưa. Hơn nữa, nguồn nhân lực đang bị cách ly, không thể điều động để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. “Cuộc vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng vượt đèo Hải Vân đó gặp rất nhiều khó khăn. Đã có nhiều bác sĩ đầu ngành về hồi sức, cấp cứu từ các BV Trung ương tới Đà Nẵng hỗ trợ cùng tham gia vận chuyển…”, TS Nguyễn Trường Sơn nhớ lại.
Hành trình có một không hai đó đã giúp cứu sống bệnh nhân. Nỗ lực không mệt mỏi đó cũng giúp hàng loạt bệnh nhân suy thận, chạy nhận nhân tạo được điều trị khỏi như BN483, BN481, BN476, BN507… “Chúng ta xác định đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 là một cuộc chiến, trong cuộc chiến này không tránh khỏi những mất mát” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, dù có mất mát, Bộ Y tế vẫn luôn cố gắng thực hiện các biện pháp tốt nhất để cứu chữa bệnh nhân, trong đó có 354 bệnh nhân ở Đà Nẵng, gần 100 bệnh nhân ở Quảng Nam. Các bệnh nhân được hội chẩn thường xuyên, dành trang thiết bị hiện đại nhất, nhân lực giỏi nhất để điều trị nhằm giảm thiểu ca tử vong xuống mức thấp nhất.
Theo báo Ngày nay